Dịch vụ công trực tuyến là gì? Cách sử dụng cổng dịch vụ công trực tuyến.
1. Dịch vụ công trực tuyến là gì?
Dịch vụ công trực tuyến là dịch vụ hành chính công và các dịch vụ khác của cơ quan nhà nước được cung cấp cho các tổ chức, cá nhân trên môi trường mạng.
Căn cứ tại điều 2, khoản 3 về giải thích thuật ngữ trong Thông tư 26/2009/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về việc cung cấp thông tin và đảm bảo khả năng truy cập thuận tiện đối với trang thông tin điện tử của cơ quan Nhà nước.
Theo đó, dịch vụ công trực tuyến (DVC) có thể hiểu là hình thức thực hiện các giao dịch điện tử giữa các doanh nghiệp, tổ chức, công dân với nhà nước nhằm thực hiện các thủ tục hành chính. Hệ thống được thiết lập và hoạt động nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức, công dân, doanh nghiệp thực hiện các yêu cầu giải quyết thủ tục, hồ sơ hành chính đơn giản, không phụ thuộc vào thời gian, địa điểm tiết kiệm chi phí đi lại và công sức làm việc.
1.1 Cổng thông tin dịch vụ công chính thức đi vào hoạt động khi nào?
Ngày 09/12/2019 Cổng dịch vụ công quốc gia chính thức được đưa vào vận hành và sử dụng tại địa chỉ website là https://dichvucong.gov.vn. Cổng DVC là một trong những bước tiến quan trọng đánh dấu việc đổi mới đưa công nghệ vào quản lý, hỗ trợ thực hiện các giấy tờ thủ tục hành chính công.
Cổng DVC quốc gia tại thời điểm khai trương cung cấp 5 dịch vụ công thực hiện tại 63 tỉnh, thành phố gồm:
1. Đổi giấy phép lái xe.
2. Thông báo hoạt động khuyến mại.
3. Cấp lại thẻ BHYT do mất, hỏng.
4. Cấp điện hạ áp (phục vụ người dân, hộ gia đình).
5. Dịch vụ cấp điện trung áp (phục vụ doanh nghiệp).
Cung cấp 3 dịch vụ công thực hiện tại cấp bộ gồm:
1. Cấp Giấy phép lái xe quốc tế.
2. Đăng ký khuyến mãi.
3. Nhóm dịch vụ về Cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
Ngoài ra cổng dịch vụ công còn tích hợp tiện ích thanh toán tiền điện và tiện ích nộp thuế điện tử đối với doanh nghiệp. Sử dụng cổng dịch vụ công đem đến cho người dân và doanh nghiệp rất nhiều cái lợi.
1.2 Các mức độ của dịch vụ công trực tuyến
Dịch vụ công online (trực tuyến) được chia làm 4 mức độ, mỗi mức độ bao gồm các dịch vụ cung cấp khác nhau có sự mở rộng và nâng cấp cao hơn.
1) Dịch vụ công trực tuyến mức độ 1: bảo đảm cung cấp đầy đủ các thông tin về thủ tục hành chính và các văn bản có liên quan quy định về thủ tục hành chính đó.
2) Dịch vụ công trực tuyến mức độ 2: là DVC ở mức độ 1 tuy nhiên ở cấp độ 2 lại cho phép người sử dụng tải về các mẫu văn bản và khai báo để hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu. Hồ sơ hoàn thiện được gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ.
Với DVC trực tuyến mức độ 1 và 2 thì người dân, đến trực tiếp cơ quan Nhà nước lần 01 để nộp hồ sơ, lần 02 để nhận kết quả.
3) Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3: là DVC ở mức độ 2 tuy nhiên cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng.
Với dịch vụ công mức độ 3: Khai báo và nộp hồ sơ qua mạng bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu; chỉ đến 01 lần duy nhất để nhận kết quả và thanh toán lệ phí (nếu có).
4) Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4: là DVC ở mức độ 3 và cho phép người sử dụng thanh toán lệ phí (nếu có) được thực hiện trực tuyến. Việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng.
Với dịch vụ công mức độ 4: Nộp hồ sơ qua mạng (tương tự như dịch vụ công mức độ 3), thanh toán lệ phí (nếu có) trực tuyến đặc biệt là trả kết quả tại nhà theo đăng ký mà không phải đến cơ quan Nhà nước để lấy.
Khi thực hiện dịch vụ công online mức độ 3,4 thì người dân, tổ chức doanh nghiệp buộc phải:
1. Đăng ký số điện thoại di động.
2. Đăng ký địa chỉ thư điện tử (email).
3. Cung cấp, khai báo đầy đủ các thông tin theo yêu cầu (nếu có) nhằm thuận lợi hơn cho việc thụ lý, giải quyết hồ sơ tránh tình trạng phải bổ sung thông tin, kéo dài thêm thời gian giải quyết…
2. Sử dụng cổng dịch vụ công trực tuyến mang lại những lợi ích gì?
Khi xã hội ngày càng phát triển việc ứng dụng công nghệ thông tin vào xử lý công việc, quản lý các thủ tục hành chính đang là xu thế tất yếu. Với Cổng dịch vụ công quốc gia đã và đang tạo ra một phương thức giao dịch điện tử hiện đại, minh bạch và rất nhiều lợi ích cho cơ quan Nhà nước và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
1) Lợi ích đối với cá nhân.
Người dân được tiếp cận và sử dụng cổng dịch vụ công quốc gia để giải quyết các thủ tục hành chính có liên quan đến quyền lợi và trách nhiệm của công dân dễ dàng và thuận tiện trên không gian mạng. Theo đó người dân có thể làm thủ tục ở bất kỳ đâu mà không cần phải đến trực tiếp cơ quan chức năng.
Những lợi ích đối với cá nhân khi sử dụng Cổng DVC quốc gia bao gồm:
- Thủ tục đăng ký đơn giản, nhanh chóng, thuận tiện 24/24 giờ trong ngày.
- Tiết kiệm chi phí đi lại, thời gian giao dịch, đơn giản thủ tục giấy tờ;
- Tránh/ hạn chế tình trạng nhũng nhiễu, quan liêu từ một bộ phận cán bộ quan liêu, hách dịch.
- Theo dõi được tình trạng hồ sơ trên website trực tuyến; qua tin nhắn điện thoại; địa chỉ email.
- Đảm bảo tính công khai, minh bạch hồ sơ, thủ tục.
2) Lợi ích đối với doanh nghiệp
Doanh nghiệp sử dụng Cổng dịch vụ công quốc gia có tài khoản dịch vụ công quốc gia doanh nghiệp do Cổng dịch vụ công quốc gia cấp cho đối tượng doanh nghiệp. Những lợi ích khi doanh nghiệp sử dụng Cổng dịch vụ công quốc gia sẽ bao gồm:
- Thực hiện quản lý hồ sơ, các vấn đề có liên quan đến người lao động dễ dàng, thuận tiên hơn.
- Giúp doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian đi lại, xử lý hồ sơ trong quá trình làm việc với cơ quan chức năng.
- Đơn giản hóa thủ tục hành chính.
- Tránh hoặc hạn chế tình trạng quan liêu, nhận hối lộ từ một bộ phân cán bộ thoái hóa, biến chất.
- Có thể thực hiện được các giao dịch điện tử ở mọi lúc mọi nơi, dễ dàng và thuận tiện.
2.1. Những rủi ro khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến là gì?
Khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến, bạn có thể gặp một số rủi ro sau đây:
1) Rủi ro do sự cố của hệ thống thông tin: là các sự cố xảy ra do việc tắc nghẽn, đứt đường truyền của nhà cung cấp dịch vụ kết nối, các trục trặc do lỗi phần cứng, phần mềm hay sự xâm nhập của virus vào hệ thống máy tính.
2) Rủi ro do sự thiếu hiểu biết, kỹ năng của người dùng: là các rủi ro do người dùng không nắm rõ quy trình, thủ tục, quy định liên quan đến dịch vụ công trực tuyến, không biết cách bảo mật thông tin cá nhân, tài khoản, mật khẩu hay không kiểm tra kỹ kết quả giao dịch.
3) Rủi ro do sự lừa đảo, chiếm đoạt của bên thứ ba: là các rủi ro do người dùng bị lừa vào các trang web giả mạo, bị đánh cắp thông tin cá nhân, tài khoản, mật khẩu hay bị chiếm đoạt tiền trong quá trình thanh toán điện tử.
2.1.1 Cách hạn chế rủi ro khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến
Để hạn chế các rủi ro khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến, người dùng có thể thực hiện các biện pháp sau đây:
- Chỉ sử dụng các trang web chính thức và uy tín của cơ quan nhà nước để thực hiện các giao dịch điện tử. Bạn có thể kiểm tra địa chỉ URL của trang web và chú ý đến các ký hiệu của giao thức bảo mật thông tin đăng nhập webiste như khóa và https
- Thay đổi mật khẩu thường xuyên và sử dụng các mật khẩu khác nhau cho các tài khoản khác nhau. Bạn nên chọn các mật khẩu khó đoán và bao gồm cả chữ cái, số và ký tự đặc biệt.
- Không lưu thông tin cá nhân, tài khoản, mật khẩu hay số thẻ thanh toán trên máy tính hay điện thoại thông minh. Bạn nên xóa lịch sử duyệt web và cookie sau khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
- Sử dụng VPN khi thanh toán bằng mạng công cộng để bảo vệ thông tin cá nhân và giao dịch của bạn khỏi sự theo dõi và can thiệp của bên thứ ba.
- Kiểm tra kỹ kết quả giao dịch và xác nhận lại với cơ quan nhà nước nếu có bất kỳ sai sót hay nghi ngờ nào. Bạn nên lưu giữ các bằng chứng liên quan đến giao dịch để có thể khiếu nại hay yêu cầu hoàn tiền khi cần thiết.
3. Hướng dẫn đăng nhập để sử dụng dịch vụ công trực tuyến
Để đăng nhập và sử dụng dịch vụ công trực tuyến, bạn có thể làm theo các bước sau đây:
Bước 1: Truy cập vào Cổng dịch vụ công quốc gia tại địa chỉ website là dichvucong.gov.vn và thực hiện đăng nhập tài khoản dịch vụ công quốc gia (đã đăng ký).
Nhập các thông tin cần thiết để đăng nhập tài khoản, bao gồm số CCCD, mật khẩu và mã xác nhận. Sau đó hệ thống sẽ gửi mã OTP xác nhận về số điện thoại của bạn. Bạn nhập mã OTP và nhấn nút "xác nhận" để hoàn tất đăng nhập cổng dịch vụ công quốc gia.
Bước 2: Sau khi đăng nhập thành công. Nhấn chọn "Dịch vụ công trực tuyến" để xem danh sách hoặc tìm kiếm các dịch vụ công trực tuyến cần giải quyết.
Bước 3: Người dùng tìm kiếm dịch vụ công theo từ khóa hoặc lọc dịch vụ công trực tuyến bằng cách lựa chọn các thông tin phù hợp với nhu cầu.
Bước 4: Chọn dịch vụ công trực tuyến phù hợp và làm theo hướng dẫn chi tiết của Cổng dịch vụ công.